Chùa Bái Đính – ngôi chùa lớn nhất Việt Nam là danh thắng nổi tiếng mà du khách trong và ngoài nước lựa chọn đi lễ đầu năm. Tìm hiểu ngay kinh nghiệm đi chùa Bái Đính du xuân.
Lịch sử chùa Bái Đính
Vùng đất cố đô Hoa Lư xưa do vua Đinh Tiên Hoàng khai phá mở cõi và lập lên triều đại nhà Đinh. Kể từ đã có 3 triều đại phong kiến trong lịch Việt Nam chọn đóng đô ở đất Hoa Lư, Ninh Bình này. Đó là nhà Đinh, Tiền Lê và nhà Lý.
Các triều đại này đều đặc biệt chú trọng và phát triển đạo Phật mà một thời kỳ phát triển cực thịnh nhất của Phật giáo là thời nhà Lý. Dưới các triều vua nhà Lý, chùa chiền được xây dựng khắp nơi nhằm truyền bá đạo Phật. Chùa Bái Đính cũng là một trong số các ngôi chùa được lập nên vào thời gian này.
Theo sử sách ghi chép lại, lịch sử chùa Bái Đính gắn liền với nhiều giai thoại về một thiền sư nổi tiếng thời nhà Lý là Lý triều quốc sư Nguyễn Minh Không.
Vào năm 1136, trong một dịp thiền sư Nguyễn Minh Không lên núi Đính tìm cây thuốc để chữa bệnh “hóa hổ” cho vua Lý Thần Tông, ngài đã tình cờ phát hiện ra một hang động đặc biệt trong vách núi. Chính ông là người đã có công đặt nền móng gây dựng một ngôi chùa, mở mang đất Phật ở nơi đây.
Chùa Bái Đính cổ được xây dựng trong hang động Sinh Dược thể hiện sự liên kết giữa con người và tự nhiên tạo thành không gian thanh tịnh, giữa bốn bề cây cỏ hoa lá.
Nhân dân xưa từng truyền lại về ý nghĩa của tên gọi chùa Bái Đính. Bái có nghĩa là lễ bái, cầu trời khấn phật còn đính nghĩa là đỉnh cao, ở trên cao. Hay hiểu nôm na là đây là nơi khấn bái trời phật ở trên cao.
Chùa Bái Đính cổ trên núi đã tồn tại khoảng 1000 năm lịch sử. Đến nay chùa được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Đến năm 2003 chùa Bái Đính mới được khởi công xây dựng thành quần thể hoành tráng và quy mô như hiện nay.
Năm 2014, Quần thể Danh thắng Tràng An bao gồm chùa Bái Đính đã được UNESCO vinh danh là di sản Văn hoá và Thiên nhiên thế giới. Đây cũng là di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam.
Chùa Bái Đính ở đâu? Cách di chuyển
Chùa Bái Đính thuộc địa phận xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn tỉnh Ninh Bình. Từ đây cách trung tâm thành phố Ninh Bình chỉ khoảng 15km.
Chùa Bái Đính nằm ở phía Bắc quần thể di sản Tràng An có tổng diện tích trên 500ha bao gồm khu chùa cổ và khu chùa mới. Trong đó khu chùa cổ được xây dựng từ cách đây hơn 1000 năm, là nơi lưu giữ lại chứng tích Phật giáo Việt Nam dưới các triều đại phong kiến ở cố đô Hoa Lư.
Còn khu chùa Bái Đính mới được khởi công xây dựng từ năm 2003 gồm nhiều hạng mục quy mô hoành tráng như: cổng Tam Quan nội, ngoại; điện Tam Thế; điện Pháp chủ; điện Quan Thế Âm, Bảo tháp; Tháp chuông…
Chùa Bái Đính cách Hà Nội khoảng 110km. Từ thủ đô có nhiều con đường và cách thức di chuyển về tới chùa Bái Đính. Du khách có thể lựa chọn di chuyển bằng xe máy hoặc ô tô riêng hay đi xe khách.
Nếu di chuyển bằng xe khách, mọi người có thể bắt các chuyến xe Hà Nội – Ninh Bình từ bến xe Giáp Bát hoặc bến xe Mỹ Đình. Giá vé dao động khoảng 70.000 – 80.000 đồng/người. Xe khách di chuyển tới bến xe ở thành phố Ninh Bình thì bạn bắt xe bus hoặc đi taxi với giá cao hơn 130.000 đồng/lượt đi tới thẳng chùa.
Nếu muốn đi xe máy bạn đi chuyển xuôi theo đường quốc lộ 1A đi qua địa phận các tỉnh Hà Nam, Nam Định tới Ninh Bình. Bạn sẽ mất khoảng 2 – 2,5 tiếng đi xe máy từ Hà Nội về tới Ninh Bình.
Đôi nét về kiến trúc chùa Bái Đính
Quần thể chùa Bái Đính mới ngày nay gồm các hạng mục công trình chính như điện Tam Thế, điện Pháp Chủ, điện Quan Âm, Bảo Tháp, Tháp Chuông và khu học viện phật giáo, khu đón tiếp… được xây dựng qua nhiều giai đoạn khác nhau.
Kiến trúc chùa Bái Đính mang đậm dấu ấn Việt được xây dựng từ các nguyên liệu chính là gỗ tứ thiết, đá xanh Ninh Bình hay ngói men Bát Tràng… Để tạo nên công trình kiến trúc đỉnh cao như hiện nay là công sức lao động, là kết tinh của 500 nghệ nhân từ khắp các làng nghề nổi tiếng như mộc Phú Lộc, chạm khắc đá Ninh Vân, sơn mài Cát Đằng, đúc đồng Ý Yên, Nam Định, thêu ren Văn Lâm…
Cổng Tam quan có chiều cao mái đỉnh 16,5m, tháp chuông cao 22m, điện Quan Âm cao 14,8m, điện Pháp chủ 30m và điện Tam Thế 34m.
Cổng Tam quan có hai tượng Hộ pháp (ông thiện và ông ác) bằng đồng cao 5,5 m, nặng 12 tấn và 8 pho tượng Kim Cương.
Hành lang La Hán có chiều dài 1052 m được công nhận là dài nhất châu Á gồm 234 gian nối liền với hai đầu Tam Quan và chiều cao sàn được nâng dần theo độ dốc của sườn đồi.
Đây là nơi bố trí 500 tượng La Hán bằng đá xanh Ninh Bình nguyên khối cao tới 2.5 m, nặng khoảng 4 tấn. Mỗi vị La Hán có một dáng vẻ khác nhau để miêu tả sự sống trần thế.
Tháp chuông có 3 tầng mái, mỗi tầng được ghép lại từ 8 mái. Như vậy là tổng cộng 24 mái với 24 đầu đao cong vút lên. Bên trong tháp chuông treo quả chuông nặng 36 tấn được công nhân là “Đại hồng chung lớn nhất Việt Nam”.
Điện Quan Âm có 7 gian. Gian chính giữa của điện đặt tượng Quan Thế Âm Bồ Tát nghìn tay nghìn mắt bằng đồng nặng 80 tấn, cao 9.57 m được công nhận là pho tượng Quan Thế Âm Bồ Tát bằng đồng lớn nhất ở Việt Nam.
Điện Pháp Chủ có 5 gian. Gian chính giữa đặt pho tượng Phật Pháp Chủ bằng đồng cao tới 10m, nặng 100 tấn, được công nhận là ‘Pho tượng Phật Thích Ca bằng đồng lớn nhất Việt Nam”. Trong điện có treo 3 bức hoành phi và 3 cửa võng lớn nhất Việt Nam.
Điện Tam Thế có chiều dài 59.1 m, rộng hơn 40 m. Trong điện đặt 3 pho tượng Tam Thế Phật (tượng trưng cho quá khứ, hiện tại và tương lai) được đúc bằng đồng cao 7.2 m, nặng 50 tấn và được vinh danh với kỷ lục “Ngôi chùa có bộ tượng Tam Thế bằng đồng lớn nhất Việt Nam”.
Có thể gọi chùa Bái Đính mới là ngôi chùa của những kỷ lục. Hiện chùa được công nhận là ngôi chùa lớn nhất Việt Nam. Bên cạnh đó, chùa còn giữ nhiều lục khác là: Chùa có nhiều tượng La Hán nhất Việt Nam, Giếng ngọc lớn nhất Việt Nam, Tượng Phật Di Lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á, Hành lang La Hán dài nhất Châu Á. Tượng Phật bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á với tượng Phật Tổ Như Lai nặng 100 tấn. Hai quả chuông lớn nhất Đông Nam Á với một quả nặng 36 và 27 tấn…
Kinh nghiệm đi chùa Bái Đính
Bài viết sau đây sẽ chia sẻ với độc giả một số kinh nghiệm đi chùa Bái Đính. Thời điểm lý tưởng nhất để tới tham quan chùa Chùa Bái Đính là du xuân sau Tết nguyên đán. Trong đó, lễ hội chùa Bái Đính chính thức bắt đầu từ mùng 6 âm lịch và kéo dài tới hết tháng 3 âm lịch.
Từ điểm dừng cuối của xe tới cổng chùa Bái Đính bạn phải di chuyển khoảng 3,5km. Một kinh nghiệm đi chùa Bái Đính và bất cứ ngôi chùa nào khác đó là nên nhớ mặc quần áo dài tay trang trọng, lịch sự. Đặc biệt bạn nên mang theo giày thể thao để đảm bảo không bị đau chân suốt hành trình.
Trước khi đi, bạn cần đổi nhiều tiền lẻ làm tiền lễ và quyên góp. Chuẩn bị sửa soạn lễ vật dâng hương đầy đủ, tươm tất.
Khi tới Ninh Bình nói chung và chùa Bái Đính nói riêng du khách có thể tìm mua và thưởng thức các đặc sản như thịt dê núi, cơm cháy…